6 cách dạy con tự dọn đồ chơi theo phương pháp Montessori
Trẻ nhỏ có ý thức mạnh về trật tự nên sẽ thấy hài lòng nếu được trả đồ chơi về đúng vị trí của nó. Phương pháp Montessori là triết lý giáo dục dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Italy, Maria Montessori (1870-1952). Hiểu đơn giản, đó là cách giúp trẻ phát triển theo khả năng riêng. Dưới đây là một vài hướng dẫn trong lớp học Montessori để khuyến khích trẻ dọn đồ sau khi chơi.
1. Cố định vị trí đồ chơi
Phụ huynh thường cho rằng trẻ sẽ dễ dọn đồ chơi nếu chỉ đổ vào các thùng lớn nhưng điều này không đúng. Trẻ nhỏ có ý thức mạnh về trật tự. Chúng thường cảm thấy hài lòng khi trả một vật về đúng vị trí của nó. Vì vậy, nếu được đặt đồ chơi về vị trí cố định, trẻ sẽ thích dọn dẹp hơn.
Để áp dụng cách này, phụ huynh sẽ phải bỏ đi một số đồ chơi không cần thiết của trẻ. Bạn hãy dành thời gian quan sát xem những món đồ nào con thường bỏ bê, không chạm vào trong một tuần và cất nó đi. Những đồ chơi con thường xuyên chơi, bạn hãy đặt trên kệ, mỗi vật một vị trí rõ ràng. Hãy chắc chắn rằng kệ đặt đồ không quá nhiều thứ, không lộn xộn, rối rắm.
2. Làm gương cho trẻ
Nếu phụ huynh muốn trẻ tự dọn dẹp đồ chơi, cách tốt nhất chính bạn làm gương cho bé. Hãy cùng con dọn đồ chơi ngay khi chúng còn nhỏ. Ban đầu, phụ huynh có thể phải thực hiện một mình, nhưng dần dần bạn có thể nhường lại công việc cho trẻ, khuyến khích trẻ tự dọn dẹp đồ chơi. Trẻ thường thích dọn đồ chơi nếu đó là công việc cùng làm với cha mẹ hơn là một nhiệm vụ bị ép buộc.
3. Đặt quy định rõ ràng
Phụ huynh hãy đặt ra một số quy định cho trẻ về việc dọn dẹp đồ chơi. Tiếp đó, luôn nhất quán thực hiện quy định đó để trẻ thấy được tính chất quan trọng của yêu cầu. Bạn cần thể hiện rõ cho con biết, có được phép để đồ chơi bừa bãi qua đêm không hay phải dọn tại một thời điểm. Tuy nhiên, hãy đặt ra ít quy định mà tập trung vào việc kiên định thực thi.
4. Biến việc dọn dẹp thành trò chơi
Chắc chắn không phải lúc nào phụ huynh cũng có năng lượng để biến việc dọn dẹp thành một trò chơi, nhưng khi có thể hãy thực hiện phương pháp này. Trẻ sẽ dọn dẹp trong sự vui vẻ và nhanh chóng hình thành thói quen. Phụ huynh thử áp dụng những trò chơi đơn giản như: đố trẻ cất hết đồ chơi màu đỏ vào giỏ hoặc cất hết miếng ghép hình vào xô.
5. Cho trẻ thấy những kết quả tích cực sau khi dọn đồ
Cha mẹ hãy đưa ra yêu cầu trẻ dọn đồ kèm theo kết quả tích cực, những công việc mới trẻ nhận được sau đó để tạo động lực. Điều này giúp trẻ chuyển đổi tinh thần chơi sang những công việc tiếp theo, tạo sự háo hức mong đợi.
Thay vì nói "Không ăn trưa cho đến khi đồ chơi của con được dọn sạch!", phụ huynh thử nói: "Sau khi con cất đồ chơi đi, chúng ta có thể ăn trưa cùng nhau".
6. Chờ đến khi trẻ nghỉ chơi
Không ai thích bị gián đoạn khi đang tập trung, trẻ cũng vậy. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể, phụ huynh hãy cố gắng đợi cho đến khi con dừng chơi để yêu cầu chúng dọn dẹp. Trẻ thường dọn dẹp sau khi nghỉ chơi nhanh hơn khi đang chơi và bị bố mẹ nhắc. Nếu phụ huynh buộc phải gián đoạn giờ chơi của trẻ, hãy giúp đỡ con dọn dẹp đồ chơi.
Quý khách có thể tham khảo thêm tại đồ chơi để chọn những món quà ý nghĩa nhất nhé!
Quý khách cần tư vấn thêm xin vui lòng liên hệ qua số hotline: 0374 698 993 (Zalo).
Gửi mail về hòm thư: zamyshop.gift@gmail.com.
Hoặc gửi tin nhắn về facebook.com/zamyshop.gift/.